Nhân tố tác động đến năng suất lao động:
Có nhiều nhân tố tác động đến tăng năng suất lao động như: Chất lượng nguồn nhân lực và tác phong, ý thức làm việc của người lao động; khoa học kỹ thuật và công nghệ; tổ chức lao động và quản lý lao động khoa học; ổn định sản xuất của Doanh nghiệp.
Trong các nhân tố đó, chất lượng nguồn nhân lực và tác phong, ý thức làm việc của người lao động có tác động mạnh nhất đến năng suất lao động, vì việc kết hợp người lao động với tư liệu sản xuất và đối tượng lao động để tạo ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ xã hội. Trình độ lành nghề và tác phong, ý thức làm việc của người lao động được thể hiện ra khi họ sử dụng các công cụ sản xuất thành thạo, đáp ứng những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, cùng những sản phẩm hàng hóa có tính chuyên nghiệp hóa. Người lao động có trình độ nghề nghiệp, không những cần có kỹ năng lao động mà còn phải có sáng tạo trong quá trình sản xuất. Thực tế cho thấy chỉ khi nào người lao động, người quản lý có kiến thức và trình độ nghề nghiệp thì mới tiếp cận, nhanh chóng tiếp thu, vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, có ý thức và tinh thần sáng tạo.
Gắn liền với người lao động để tăng năng suất lao động là công cụ sản xuất, với trang bị công nghệ và kỹ thuật ngày càng cao. Đó là máy móc, thiết bị công cụ sản xuất tiên tiến cùng các quy trình sản xuất và quản lý hiện đại, giảm bớt những chi phí trung gian. Khoa học, công nghệ, kỹ thuật luôn gắn với tổ chức bộ máy quản lý điều hành hợp lý; quá trình hợp lý hóa sản xuất thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy người lao động làm việc hiệu quả hơn.
Giải pháp nâng cao năng suất lao động:
Theo một số tài liệu từ năm 2001 đến năm 2010 năng suất lao động ở Việt Nam tăng gấp 5 lần, nhưng còn nhỏ bé vì GDP và thu nhập bình quân đầu người thấp. So với các nước thì năng suất lao động ở nước ta còn thấp, ví dụ năm 2008 so với Singapore chỉ bằng 4,5%, so với Mỹ bằng 4,2% và bằng 53,2% với Trung Quốc và với Lào chỉ bằng 82,3%.
Để năng suất lao động tăng tốc hơn nữa, một vấn đề có ý nghĩa tiên quyết là: Nhận thức đầy đủ vai trò của năng suất lao động trong điều kiện mới. Năng suất lao động là nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp cũng như của Quốc gia trong thời kỳ dài chứ không chỉ trong ngắn hạn.
Từ những thay đổi nhận thức, Doanh nghiệp cần phải thay đổi những chính sách để cho Doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu và bền vững; chính sách sử dụng nguồn nhân lực cũng như thay đổi một cách căn bản chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của Doanh nghiệp.
Đối với nguồn nhân lực, cần tập trung làm hai việc có tác động đến năng suất lao động, vừa cấp thiết vừa lâu dài là: Nâng cao chất lượng và sử dụng hợp lý lao động; gắn liền việc nâng cao trình độ tay nghề bằng các loại hình đào tạo, trong đó chú trọng loại hình đào tạo tại chỗ; đồng thời nâng cao tác phong làm việc, ý thức kỷ luật trong lao động của người lao động. Đồng thời tổ chức sản xuất, phân công lao động một cách khoa học hợp lý; nâng cao chất lượng bộ máy quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất; đảm bảo kịp thời vật tư, tiền vốn. Đây là những giải pháp cơ bản để tăng năng suất lao động trong Doanh nghiệp./.
Hà Nội, ngày 08 tháng 02 năm 2012
Vũ Quang Khái - Phó bí thư thường trực Đảng ủy Công ty Sông Đà 6